Những công trình biểu tượng của các thành phố Việt Nam
Những công trình biểu tượng của các thành phố Việt Nam. Bạn đã từng đi du lịch khắp mọi nơi trên dải đất hình chữ S nhưng không ít lần bạn nhầm lẫn hình ảnh biểu tượng của các thành phố lớn trong cả nước. Vậy hôm nay, hãy cùng Vé máy bay Nam Phương điểm lại những công trình được coi là biểu tượng của các thành phố du lịch để hoàn toàn tự tin trả lời mỗi khi có ai đó hỏi bạn câu hỏi này nhé!
Biểu tượng của Hà Nội
Hà Nội gắn với hình ảnh của Hồ Gươm, tháp Bút, cầu Thê Húc, quảng trường Ba Đình,… nhưng hình ảnh biểu tượng của Hà Nội lại là Khuê Văn Các nằm trong quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam nơi đào tạo ra biết bao nhân tài cho đất nước. Khuê Văn Các với ý nghĩa “gác vẻ đẹp của Sao Khuê” như một biểu tượng cho truyền thống hiếu học của nhân dân ta cũng là biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Để đến thủ đô, quý khách có thể tham khảo giá vé máy bay đi Hà Nội để chuyến du lịch của mình thêm tiết kiệm.
Biểu tượng của Sài Gòn
Có lẽ nhiều người nhầm tưởng rằng nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc lập hay bến nhà Rồng là biểu tượng của Sài Gòn nhưng xin nhắc lại chợ Bến Thành mới là công trình biểu tượng của thành phố mang tên Bác. Được xây dựng từ năm 1912 và hoàn thành 1914 chợ Bến Thành không chỉ là nơi buôn bán thông thường mà nơi đây là nhân chứng lịch sử chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của dân tộc, là bộ mặt kinh tế của thành phố thương mại lớn nhất cả nước, là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay và cũng là địa điểm mà du khách có thể tìm thấy những tính cách đặc trưng của con người đất Sài thành.
Biểu tượng của cố đô Huế
Nhắc đến cố đô chắc hẳn ai cũng nghĩ đến Kinh Thành Huế và nơi đây cũng được coi là biểu tượng của xứ Huế mộng mơ. Kinh thành Huế là một công trình có giá trị cao về nghệ thuật, kiến trúc xây dựng và giá trị lịch sử. Đến Huế, du khách đừng bỏ qua cơ hội tham quan kinh thành Huế với mái đình rêu phong cổ kính của Đại Nội, chiêm ngưỡng và tìm hiểu về hàng nghìn cổ vật, thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế hay khám phá ẩm thực cung đình để hiểu thêm về lịch sử dân tộc, cuộc sống của các vua chúa nhà Nguyễn thời xa xưa.
Biểu tượng của Đà Nẵng
Nếu trước kia mỗi lần nhắc tới Đà Nẵng thì du khách sẽ nghĩ đến cầu quay sông Hàn thì giờ đây Đà Nẵng đã có thêm một biểu tượng mới đó là cầu Rồng. Với hình dáng giống một chú Rồng cây cầu là biểu trưng cho sự phát triển, thịnh vượng của thành phố biển. Du khách tới đây vào mỗi dịp cuối tuần sẽ được thỏa mãn nhãn với màn trình diễn phun lửa, phun nước vô cùng độc đáo và hấp dẫn của cầu Rồng.
Hội An – Quảng Nam
Không phải ngẫu nhiên chùa cầu lại xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng của Việt Nam. Chùa Cầu bắc ngang qua con sông Hoài hiền hòa với kiến trúc độc đáo bởi sự kết hợp của chùa – cầu và sự hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật cùng với một ý nghĩa tâm linh sâu sắc thể hiện khát vọng thiêng liêng về niềm vui và hạnh phúc của người dân. Chùa Cầu đã trở thành biểu tượng và là điểm đến không thể bỏ qua tại phố cổ Hội An.
Biểu tượng của xứ Thanh
Cây cầu sắt nối liền núi Hàm Rồng với núi Ngọc mang hình bán nguyệt soi mình xuống dòng sông Mã oai hùng – cầu Hàm Rồng chính là biểu tượng của xứ Thanh. Chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của dân tộc, hứng chịu bao trận bom rơi, bão đạn của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc nước ta cầu Hàm Rồng như một biểu tượng của tinh thần quật cường, niềm tin và ý chí thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, có dịp đi qua Thanh Hóa du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng cây cầu lịch sử và là niềm tự hào của người dân của mảnh đất “sông Mã anh hùng”.
Công ty TNHH VMB Nam Phương 65/26 Giải Phóng, P. 4, Q. Tân Bình, TP. HCM